Buổi sáng mùa hè năm 1958 tại vùng biển Đồ Sơn thành phố Cảng, một vạt chài của ngư dân đã tìm ra một quả chuông đồng.
Sau khi vớt quả chuông lên, các vị bô lão địa phương cùng các nhà khảo cổ đã xác định, đây là quả chuông chùa Vân Bản (1). Ngôi chùa Vân Bản gắn liền với cây tháp Tường Long, vốn xưa kia tọa lạc trên ngọn Núi Rồng, ở độ cao 91,7m so với mặt nước biển.
Chuông chùa Vân Bản.
Nơi đỉnh Núi Rồng (tên chữ là Long Sơn), ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn núi chạy dọc bán đảo Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng còn dấu tích ngôi tháp cổ Tường Long do vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1058. Sách Đại Việt sử lược (còn gọi là Việt sử lược) có đoạn chép rằng: “Mùa thu tháng 9, vua ngự giá qua biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây tháp ở Đồ Sơn. Năm sau (Kỷ Hợi) vua thấy rồng vàng hiện ở điện Trường Xuân, Thăng Long, mới ban cho tháp ở Đồ Sơn tên hiệu là Tường Long (thấy rồng hiện) để ghi lại điềm lành” (Đại Việt sử lược ,1960 ).
Bốn mươi năm trước đây, Viện Khảo cổ học cùng Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật di tích móng tháp. Tuy chỉ còn tầng cuối nhưng vẫn thấy rõ các góc tháp uốn cong. Đặc biệt là những viên gạch, được nung chín đều, viên nào cũng đúc nổi 2 hàng chữ Hán: Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo. Có nghĩa là tạo năm thứ tư niên hiệu Long Thụy Thái Bình đời vua thứ ba nhà Lý (1057).Trang trí trên gạch gồm các đề tài rồng, phượng, lá đề, hoa sen mang đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Lý.
Quả chuông chùa Vân Bản là một cổ vật hiếm quý nên đã nhanh chóng được chuyển về Bảo tàng lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) để giới thiệu với đồng bào cả nước. Việc nghiên cứu giới thiệu về quả chuông bắt đầu từ năm 1963. Vấn đề quan tâm nhất của các nhà nghiên cứu là niên đại của chuông, về chữ Nôm (2), về các thông tin sử học khác như chức Tả bộc xạ, về ruộng đất công đức và về Phật giáo. Quả chuông đã được Bảo tàng đăng ký vào sổ tài sản quốc gia với số hiệu LSb.18165. Chuông có chiều cao 127cm; đường kính miệng 80cm, nặng khoảng 300 kg.
Chuông có hình trụ cao, miệng loe. Quai chuông là kiểu cấu trúc rồng đôi đấu lưng vào nhau giống như nhiều quả chuông thời Lê. Nhưng hình rồng có tư thế và hình thể tương tự rồng trên quai chuông chùa Bình Lâm thời Trần ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Hàng vây trên lưng rồng nhô cao, đầu ngẩng lên, bờm cuộn hình ngọn núi, lưỡi cuốn lại 3 vòng, miệng há rộng lộ hàm răng đều đặn. Chỏm quai chuông đúc hình búp sen, thân rồng mập, trang trí vẩy cá chép.
Trang trí rồng đôi đấu lưng vào nhau trên quai chuông.
Thân chuông được chia thành 8 ô bằng các đường chỉ nổi to bản, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật để trơn. Trong hai ô trên có khắc bài minh văn bằng chữ Hán, ô 1 có 16 cột, ô 2 có 10 cột, gồm 250 chữ Hán theo thể Hành thư (3). Chuông có 6 núm gõ tròn, xung quanh mỗi núm đúc nổi hình bông hoa sen, cánh to xen cánh nhỏ, đều là kiểu cánh sen lật úp. Vành miệng chuông đúc băng 52 cánh sen kép, trên cánh to có 2 đường gân nổi.
Đường chỉ trang trí nổi trên thân chuông.
Năm năm sau phát hiện một quả chuông chùa Vân Bản được Trần Huy Bá công bố lần đầu tiên trên báo Tổ quốc (Trần Huy Bá,1963, tr.26-27). Căn cứ vào chữ Bính trong bài minh văn (4), tác giả suy đoán là năm Bính Thìn (1076), và so sánh hình rồng trên quai chuông với hình rồng trên bệ đá chạm ở tượng Phật A di đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh); băng cánh sen vành miệng chuông với bệ tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), mà đưa ra niên đại Lý của chuông. Thế rồi, hơn nữa tác giả còn rút ra các hệ quả khác về vấn đề chữ Nôm, về chức Tả bộc xạ là có từ thời Lý. Kết thúc bài báo, tác giả đưa ra lời cảm đoán: “Như vậy, có thể là quả chuông đó đúc ra đã gần 900 năm nay và đã nằm sâu dưới biển trong hơn 700 năm trước khi được đưa vào viện bảo tàng” (Trần Huy Bá,1963, tr.27). Năm 1978, Trịnh Cao Tưởng cũng theo ý kiến về niên đại quả chuông thời Lý của Trần Huy Bá (Trịnh Cao Tưởng, 1978, tr.75-79). Nhưng rõ ràng xếp niên đại thời Lý cho quả chuông này là không thuyết phục.
Đi tìm những căn cứ xếp niên đại quả chuông chùa Vân Bản vào thời Trần.
Năm 1978, sau khi khảo sát điền dã tại địa phương, chúng tôi đã giới thiệu về quả chuông đúc năm 1296 ở chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên (Nguyễn Đình Chiến, 1978, tr.339). Cách đây 4 năm, quả chuông đúc dưới đời vua Trần Anh Tông này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, ngày 30/12/2013.
Năm 1980, chúng tôi đăng bài nghiên cứu về bài minh văn trên quả chuông này trên tạp chí Khảo cổ học (Nguyễn Đình Chiến, 1980, tr.32-45). Từ kết quả nghiên cứu chuông Bình Lâm, với niên đại thời Trần đã góp phần giám định chuông chùa Vân Bản. So sánh cấu trúc hình rồng quai chuông, 6 núm gõ đúc nổi băng cánh sen, to xen nhỏ đều thấy gần giống nhau (5). So sánh về tỷ lệ kích thước giữa chiều cao và đường kính miệng chuông, chúng tôi cũng thấy xấp xỉ nhau. (Chuông Bình Lâm là 1,03m/0,65m = 1,58; chuông Vân Bản là 1,25/0,80m = 1,56). Kết quả này có ý nghĩa phản ánh một tiêu chuẩn kỹ thuật và cũng là tiêu chuẩn mỹ thuật khá thống nhất giữa 2 quả chuông. (Nguyễn Đình Chiến, 1980, tr.38).
Năm 1996, khi nghiên cứu bài minh văn, PGS. Ngô Đức Thọ phát hiện chữ Nam được khắc thành chữ Bính. Theo tác giả nhiều văn bản thời Trần khi mô tả về ruộng đất đã thay chữ Nam bằng chữ Bính vào các từ có nghĩa chỉ về phương nam hay phía nam. Đây cũng là trường hợp do kỵ húy ở thời Trần (Ngô Đức Thọ, 1996, tr.376-383).Từ kết quả đó, tác giả kết luận, chuông Vân Bản có thể thuộc thời Trần. Ý kiến này đồng nhất với các nhà nghiên cứu khác như Tạ Trọng Hiệp, Claudune Salmon (Đình Kính,1997, tr.57-58).
Minh văn khắc trên thân chuông.
Về chức danh Tả bộc xạ của Tạ Công Cử (?) chúng tôi thấy rằng : Trong các văn bản được xác định thời Lý chưa có tài liệu nào ghi chép về chức danh này. Vả lại, sự ghi chép của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí và ở Đại Việt sử ký toàn thư lại có sự trùng hợp thú vị. Mục Quan chức chí, Phan Huy Chú ghi rõ : “Năm Trùng Hưng thứ 1 (1285) đặt chức Tả bộc xạ”. Chức danh này được xếp vào ngạch văn giai sau các chức lục bộ Thượng thư và ở trước chức Tả Hữu Ty Lang trung. Phan Huy Chú còn giải thích về chức danh này: “Chức bộc xạ bắt đầu đặt ra từ đời Trần Anh Tông, có chức Tả (bộc xạ) và Hữu (bộc xạ), thường dùng Hành khiển Thượng thư làm chức ấy như Trần Thời Khiến, Trần Bang Cẩn đều làm Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ” (Phan Huy Chú, 1961, tr. 22). Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, lần đầu tiênnhắc đến chức danh này: “Ất Dậu (Thiệu Bảo) năm thứ 7( 1285)… Mùa thu , tháng 8 sai Tả bộc xạ là Lưu Cương Giới tuyên phong các công thần theo thứ bậc khác nhau và trị tội những người hàng giặc”. (Đại Việt sử ký toàn thư, 1971, t II, tr.62). Các nhân vật thời Trần được mang chức danh Tả bộc xạ chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như Trần Hùng Thao (1301), Trần Thời Khiến (1305), Trần Khắc Chung (1307) Trần Bang Cẩn (1324)…Như vậy, hai tài liệu thư tịch này cho phép tin rằng chức danh Tả bộc xạ được bắt đầu từ năm 1285. Cùng với các nhận xét trên đây, chúng tôi có thể khuôn khoảng niên đại của chuông Vân Bản vào khoảng 1285-1304. Nhưng quả chuông không có lý do đúc vào lúc chiến tranh tự vệ chống Nguyên chưa kết thúc thắng lợi được mà phải sau năm 1288. Nghĩa là, quả chuông này có thể được đúc vào khoảng thời gian 1288-1304, dưới triều vua Trần Nhân Tông hoặc Trần Anh Tông.
Năm 2003, trong cuốn sách Cổ vật Việt Nam đã giới thiệu quả chuông chùa Vân Bản, số ảnh 100, tr. 92 (Lưu Trần Tiêu, 2003). Quả chuông được chú thích niên đại thời Trần, thế kỷ 13-14.
Chuông chùa Vân Bản là một cổ vật độc bản, có niên đại thời Trần gắn với chùa Vân Bản, với tháp Tường Long xây dựng từ thời Lý ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng). Chuông có quai rồng đúc nổi, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, cánh to xen cánh nhỏ, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần. Chuông có bài minh văn là sử liệu văn bản quý đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh và Phật giáo ở thời Trần.
Mấy chục năm qua, quả chuông chùa Vân Bản được trưng bày trang trọng trong phần Lịch sử vương triều Trần tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và nhiều trưng bày chuyên đề ở nước ngoài. Quả chuông cũng được giới thiệu trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử Việt Nam ở trong và ngoài nước, xứng đáng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nguyễn Đình Chiến
Ảnh: Duy Linh
CHÚ DẪN
(1) Tương truyền ở vùng Đồ Sơn, quả chuông đã 3 lần vùi mình dưới đáy biển. Đây là lần thứ 3 quả chuông được phát hiện.
(2) Trong minh văn có chữ Nôm: ông Hà. Xem Đào Duy Anh, 1970. “Chứng tích xưa nhất về chữ Nôm, một tấm bia thời Lý Cao Tôn”. Nghiên cứu Lịch sử, số 134, tr.45-46.
(3) Bài minh văn trên chuông rất khó dịch vì chữ khắc nhỏ lại bị mòn mờ. Đến nay có các bản dịch có thể tham khảo một số tác giả như:
*Đồng Thị Hồng Hoàn, 2008.“Phát hiện mới về chuông chùa Vân Bản” www.Fandevent.com.vn
*Nguyễn Ngọc Nhuận. “Chuông chùa Vân Bản”. Thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tài liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr.729-733.
(4) Chữ Bính ở đây không thể là năm Can Chi mà là chỉ về phía nam, phương nam như kiến giải của PGS. Ngô Đức Thọ mới thuyết phục.
(5) Bản dập bài minh trên chuông Thông Thánh quán còn lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội số 13955, 13956, 13957 và 13958. Các núm gõ trên chuông cũng có băng cánh sen tương tự. Tiếc rằng quả chuông nay không còn nữa. Xem Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, 1966. “Bài minh trên chuông Thông Thánh quán và một số vấn đề lịch sử đời Trần”. Nghiên cứu Lịch sử, số 88, tr.25-32.