Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/12/2017 23:55 14412
Điểm: 3.32/5 (75 đánh giá)
Mỗi một cổ vật được phong làm Bảo vật Quốc gia đều phải hết sức quý giá, lại độc bản. Thêm nữa, như số phận đời người, những bảo vật này có thể kể cho chúng ta biết bao nhiêu là chuyện.

Mỗi một cổ vật được phong làm Bảo vật Quốc gia đều phải hết sức quý giá, lại độc bản. Thêm nữa, như số phận đời người, những bảo vật này có thể kể cho chúng ta biết bao nhiêu là chuyện.

Trống Hoàng Hạ được các nhà khoa học coi là “Á Hậu” trong cuộc thi vẻ đẹp của trống đồng Đông Sơn ở ta. Mà trống Hoàng Hạ đẹp thật, có lẽ chỉ kém trống Ngọc Lũ đương kim “Hoa Hậu” tí tí. Trống có dáng đẹp, thân trống chia ba phần cân đối. Đường kính mặt 78,5cm chiều cao 61,5cm. Trang trí giữa mặt trống là hình ngôi sao có 16 cánh. Xung quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn, có những hoa văn đẹp và hiện thực như: hình 14 con chim bay mỏ dài, đuôi xòe và chân dài. Lại có vành hoa văn người múa hóa trang đang cầm giáo đồng, rìu đồng và khèn bè trong cảnh một ngày hội mùa hay hội làng náo nhiệt. Có cả cảnh hai ngôi nhà sàn mái cong, trên nóc có hình chim đậu, bên trong có cảnh người ngồi đánh trống da, hình trống đồng và cảnh đôi nam nữ ngồi giữa nhà đang đập tay vào nhau như một trò hát đối đáp xưa kia. Nối với căn nhà sàn mái cong này là một sàn nhà khác có cảnh 4 người đang ngồi đánh trống đồng, cầm dùi gõ thẳng xuống 4 chiếc trống đồng đang úp sấp. Gần đó là cảnh đôi trai gái đang giã gạo chày tay. Kế tiếp là hai ngôi nhà sàn đối xứng nhau qua tâm trống có mái cong và đôi chim đang đậu trên nóc. Dường như người nghệ sĩ xưa muốn biểu thị không khí ngày hội có nhiều nét giống với ngày hội của các dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay, cũng có cảnh trai gái trong trang phục ngày hội đang múa vòng tròn quanh cột thiêng chuẩn bị đâm trâu.

Trống đồng Hoàng Hạ.

Hình người chèo thuyền và chim ngậm mồi trên tang trống Hoàng Hạ.

Vùng trũng bốn huyện phía nam Hà Nội: trước văn hóa Đông Sơn chưa có người cư trú. Sau đó, làn sóng dân vùng cao tràn xuống khai hoang, cũng là nơi đào được trống Hoàng Hạ.

Tang trống miêu tả một đoàn thuyền gồm 6 chiếc. Trên thuyền có hoa văn người đánh trống, người hóa trang đội mũ cắm lông chim cầm giáo, người ngồi đánh trống, người cầm mái chèo. Trên mỗi thuyền lại có lầu cao, tầng dưới để trống đồng, tầng trên có người dương cung chuẩn bị bắn. Lại còn có cảnh một người tay cầm giáo, tay khác túm tóc một người đang trần truồng như trong cảnh chuẩn bị giết tù binh làm lễ hiến tế. Xen giữa các thuyền là các hình chim đứng và dưới các chiếc thuyền là hoa văn hình cá bơi. Phần giữa thân gọi là lưng trống có cảnh chiến binh đang cầm rìu chiến và cũng được hóa trang lông chim.

Hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ đại thể là như vậy, thuộc loại trống Đông Sơn có những hoa văn hiện thực tả người, chim, nhà sàn, thuyền đẹp nhất trong nhóm trống đứng đầu về nghệ thuật tạo hình là Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà và Cổ Loa. Người xưa tạo ra những hoa văn tuyệt mĩ như vậy, nhưng không phải là vô tình, mà đều là biểu tượng. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa nhất định, mà cho đến nay, mỗi học giả trong và ngoài nước đều giải mã một cách khác nhau. Thế mới biết cái ngôn ngữ nghệ thuật thật là đa nghĩa. Xưa cũng vậy mà nay cũng thế.

Người đầu tiên cho rằng trống đồng Hoàng Hạ là một công cụ lịch pháp của người Việt cổ là nhà nghiên cứu Bùi Huy Hồng. Ông cho rằng trống này là công cụ để đo bóng mặt trời để biết thời điểm ngày Xuân Phân hay Thu Phân, Đông Chí hay Hạ Chí tương ứng với các ký hiệu hoa văn trên mặt trống. Cách đây hơn 40 năm, ông đã có một thí nghiệm đo bóng mặt trời trên trống Hoàng Hạ, đặt trống thăng bằng úp trên mặt đất rồi dùng dây dọi đặt cột đo cao 345 mm đứng ở giữa tâm trống (độ cao của cột đo bóng nắng trong thí nghiệm ngày nay). Kết quả là khi nào bóng của đầu chiếc cột đo lúc giữa trưa ngả đúng vào đường giữa dây cung hoa văn trên trống thì ngày đó là ngày Xuân Phân hay Thu Phân. Theo ông, chính mặt chiếc trống đồng tìm được ở Hà Nội này là một chiếc đồng hồ mặt trời, một tấm lịch, một bức Thiên Đồ của thời Hùng Vương.

Cách kiến giải của ông Bùi Huy Hồng đã gây ra tranh cãi trong giới khoa học. Cũng chẳng rõ người xưa có coi trống Hoàng Hạ là lịch pháp hay không, nhưng rõ ràng cũng là một cách gợi ý giải mã hoa văn đáng lưu ý. Người Việt xưa không phải vô tình tạo ra các hoa văn chỉ đơn thuần là chạy theo cái đẹp. Qua hoa văn trống Hoàng Hạ và so sánh nhiều nguồn tư liệu thì nhiều nhà khoa học cho rằng đoàn người cầm vũ khí quanh hình mặt trời (được thể hiện là ngôi sao 16 cánh) có liên quan đến lễ hội. Có thể là lễ hội đâm trâu hay đâm bò, mà trên một chiếc trống Đông Sơn cùng thời còn có nguyên cảnh này với cây cột thiêng cột chặt một con bò có u và cạnh đó là chiến binh cầm rìu bổ xuống. Tang trống Hoàng Hạ thì có cảnh hiến tế trên thuyền, liên quan đến lễ hội cầu nước phổ biến ở nhiều vùng nước ta.

Trống Hoàng Hạ còn giúp các nhà sử học dựng được bức tranh lịch sử của thủ đô Hà Nội cách đây hơn 2000 năm. Trống được phát hiện ở độ sâu 1,5m trong lòng đất ngày 13 tháng 7 năm 1937 khi người dân đào mương ở xóm Nội, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên. Cái giá trị lịch sử nhất ở chỗ trống được phát hiện ngay trong lòng đất, chứng tỏ cư dân cổ đại ở đây phải là chủ nhân, từng sử dụng và chôn cất trống, chứ không phải sưu tập ngẫu nhiên ở đâu đó. Cũng tức là người Việt ở bên bờ sông Hồng là chủ nhân trống đồng. Bản quyền đúc những chiếc trống đẹp như Hoàng Hạ là tổ tiên chúng ta. Gần đây việc phát hiện ra một mảnh khuôn đúc trống lại càng khẳng định điều này.

Việc phát hiện trong lòng đất chiếc trống Hoàng Hạ ở Phú Xuyên lại giúp cho các nhà khảo cổ biết được nhiều điều bí ẩn của vùng đất này hơn nữa. Cách đây khoảng 5000 năm cả vùng Hà Nội ngày nay là vịnh biển, chỉ có …cá mới sống được. Đến thời điểm 4000 năm, khi nước biển rút đi (mà thuật ngữ khoa học gọi là thời kỳ biển thoái), thì đồng bằng mới lộ ra dần dần. Rồi lại phù sa sông Hồng bồi đắp mới có con người từ vùng núi và trung du đổ về khai hoang lập ấp. Một vài làng cổ còn để lại dấu tích trong lòng đất những đồ gốm, đồ đá, đồ đồng.

Tuy nhiên, không phải chỗ nào người cổ cũng lập làng được, mà chỉ ở những vùng đất cao ráo. Các vùng thấp như 4 huyện ngoại thành Hà Nội ngày nay là Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức còn quá lầy lội chưa thích hợp với sự khai hoang. Trước thời kỳ văn hóa Đông Sơn, không có một di tích nào chứng tỏ có con người sinh sống ở các huyện này.

Chỉ đến thời điểm cách đây hơn 2000 năm, cái vùng trũng bốn huyện của Hà Nội mới được phù sa bồi đắp dần cao lên, người Việt mới tràn về ồ ạt để khai hoang, lập làng mới. Theo thống kê thì số người khai hoang, chinh phục đồng bằng ở vùng đất trũng bốn huyện Hà Nội đã làm nên một làn sóng tụ cư mới, sinh con đẻ cái và một cuộc “nổ bùng dân số” bắt đầu. Họ đã đúc nên một số trống đồng đẹp như trống Hoàng Hạ. Có thể chiếc trống này được sử dụng trong ngày hội, rồi lại là đồ tùy táng chôn theo người chết mà ngày nay thân xác chẳng còn, chỉ còn lại trống đồng mà thôi.

Trống Hoàng Hạ trong lòng đất Phú Xuyên, vì thế như một chứng tích của cư dân văn hóa Đông Sơn chinh phục vùng đất trũng, còn ngập mặn. Đó cũng là bằng chứng của sự gian lao vô bờ bến và công sức khai hoang mảnh đất phía nam Hà Nội khi đó. Biết bao mồ hôi của người xưa đã đổ ra để cải tạo mảnh đất Phú Xuyên thành những cánh đồng nặng trĩu hạt lúa như ngày nay.

Cái quá trình chinh phục đồng bằng của người Việt cổ còn tiếp tục diễn ra sau cái thời của trống đồng Hoàng Hạ hàng nghìn năm nữa, cho đến tận ngày nay, nếu như chúng ta biết được cái vùng Phú Xuyên bây giờ cũng vẫn còn là vùng trũng của Hà Nội, vẫn cùng với những vùng trũng của Hà Nam, nơi phát hiện trống Ngọc Lũ trước đây, là những vùng đất làm nông còn vất vả vì “chiêm khê, mùa thối” vốn còn dư âm vùng trũng của một vịnh biển cách đây vài ngàn năm.

Thế mới biết, người Việt ở vùng Phú Xuyên ngày xưa đã tốn bao công sức để cải tạo đồng ruộng, trồng lúa để mưu sinh mà lại còn sáng tạo ra được những chiếc trống đồng tuyệt tác như Hoàng Hạ nữa. Và, sự phát hiện trống Hoàng Hạ đã góp cho di sản văn hóa Việt Nam một bảo vật Quốc gia, lại còn giúp cho hậu thế biết được công ơn của những người Hà Nội xưa đi khai hoang lập ấp ra sao nữa.

Qúy độc giả muốn biết thêm thông tin vui lòng truy cập vào link sau:

https://www.youtube.com/watch?v=QeA3hpFnlPI&index

PGS.TS Trịnh Sinh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: