Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/12/2017 20:46 7242
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
(Phần 2)Ở mỗi một đất nước, mỗi dân tộc thì bảo vật là đại diện cho những giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, kỹ thuật đặc trưng hay sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, và được xem như diện mạo văn hóa của mỗi quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng của cả đất nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ấy. Bảo vật đó chính là nguyên khí, là linh hồn văn hóa của dân tộc. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn các quốc bảo đặc sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước. Mỗi một quốc bảo được lưu truyền lại cho thế hệ mai sau đều mang được đầy đủ những giá trị đại diện cho những tư tưởng lớn, thẩm mỹ tiêu biểu, chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển lịch sử đất nước và con người Việt Nam.

(Phần 2)

Ở mỗi một đất nước, mỗi dân tộc thì bảo vật là đại diện cho những giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, kỹ thuật đặc trưng hay sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, và được xem như diện mạo văn hóa của mỗi quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng của cả đất nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ấy. Bảo vật đó chính là nguyên khí, là linh hồn văn hóa của dân tộc. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn các quốc bảo đặc sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước. Mỗi một quốc bảo được lưu truyền lại cho thế hệ mai sau đều mang được đầy đủ những giá trị đại diện cho những tư tưởng lớn, thẩm mỹ tiêu biểu, chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển lịch sử đất nước và con người Việt Nam.

  1. Mộ thuyền Việt Khê:Minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm.

Mộ được phát hiện tại công trường đào đất Việt Khê, thôn Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng vào năm 1961.

Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có kích thước lớn nhất trong số những ngôi mộ có quan tài bằng thân cây khoét rỗng hay còn gọi là một thuyền đã phát hiện ở Việt Nam. Chiếc quan tài tương đối nguyên vẹn, được làm từ một thân cây được khoét rỗng. Hai đầu quan tài được bịt kín bằng hai mảnh ván hình bán nguyệt. Ở mỗi đầu to mảnh ván này lắp vào đầu quan tài bằng cách buộc dây hoặc tra chốt vào lỗ mộng. Ở đầu nhỏ cũng được lắp tương tự, nhưng được đục một rãnh sâu để kìm mảnh ván cho chắc hơn.

Bên trong chứa 107 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, một số là đồ gỗ và đồ da có sơn. Đó là các loại hình:

- Công cụ lao động và vũ khí chiến đầu như: rìu, giáo, lao, dao găm, kiếm, dùi, đục, giũa, …

- Đồ dùng sinh hoạt có: thố, thạp, âu, đỉnh, bình, ấm, muôi…

- Nhạc khí có: chuông đồng , trống đồng, nhạc đồng…

- Ngoài ra còn có mái chèo bằng gỗ, cán giáo, đồ gỗ sơn mài, đồ sơn trên da…

Việc phát hiện ngôi mộ thuyền Việt Khê là một hiện tượng khảo cổ học đặc biệt của cư dân Đông Sơn 2500 năm về trước.

Đây là mộ thuyền có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất, chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn: đồ đồng, đồ gỗ sơn, đồ da sơn.

- Những loại hình hiện vật này đóng góp tài liệu cho việc nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống.

- Là nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.

- Mộ thuyền Việt Khê được trưng bày trong hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đã được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học.

Bản vẽ một số hiện vật phát hiện trong Mộ thuyền Việt Khê.

  1. Chuông chùa vân bản

Đây là quả chuông Chuông được đúc vào thời Trần và treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn – Hải Phòng). Tương truyền rằng, vào thời Trần, sư Bần – một người Ấn Độ đã đến Đồ Sơn dựng chùa Hang. Đồ Sơn là nơi tiếp nhận đạo Phật đầu tiên ở nước ta và còn được gọi là Châu Cự Tiên (theo nghĩa rộng là nơi Phật giáo phát triển mạnh). Chùa Hang sát mép nước, sợ biển đe dọa nên nhân dân dời về chùa Hang Vân Bản và đúc chuông Vân Bản. Quai chuông là hai tượng rồng đấu lưng vào nhau, miệng và núm trang trí hàng cánh sen kép đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo triều Trần. Minh văn khắc trên thân chuông là nguồn sử liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử chức danh và Phật giáo triều Trần. Chuông chùa Vân Bản là minh chứng cho thấy sự phát triển tôn giáo tại Đồ Sơn – Hải Phòng, một vùng đất có vị trí đặc biệt về quốc phòng và được các triều đình phong kiến hết sức quan tâm. Là một trong số ba quả chuông triều Trần còn lại trên đất nước ta.

Ảnh chuông đồng Vân Bản.

  1. Môn hạ sảnh ấn - Bảo vật triều Trần

Các triều đại Phong kiến Việt Nam từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn, thời gian tuy chưa phải là xa lắm nhưng vì ngoại xâm hay nội chiến triền miên nên những hiện vật quý giá như ấn chương hầu hết bị chôn vùi hay thất thoát. Cộng với sự tàn phá nặng nề của thiên tai biết bao ấn chương các loại và văn bản có lưu hình dấu phải chịu chung số phận tro bụi cùng cung điện, lầu các, thư phòng… trong tình hình tài liệu hiện nay, những vật có niên đại tuyệt đối như bi ký, sắc phong, chiếu chỉ, tiền … còn rất ít, thì ấn chương là loại di vật lịch sử quý giá. Chiếc Ấn được phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1962, được làm bằng chất liệu đồng. Ấn hình vuông, tạo ba cấp. Núm tạo hình chữ nhật, chỏm cong, giống hình bia đá. Hai bên cạnh lưng khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải có 4 chữ, phiên âm “Môn hạ sảnh ấn”. Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: “Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo” tức chế tạo vào ngày 13 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời Vua Trần Duệ Tông, 1377. Mặt ấn hình vuông đúc nổi 4 chữ kiểu triện “môn hạ sảnh ấn”.

Chiếc ấn đồng Môn Hạ Sảnh được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình bắt đầu từ đời Trần Phế đế về sau.

Cho đến nay, những phát hiện về ấn đồng các triều đại Phong kiến Việt Nam trên đất nước ta còn rất ít, chính vì thế chiến ấn đồng Môn Hạ Sảnh là chiếc ấn đồng cổ nhất có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần, xứng đáng được vinh danh là Bảo vật quốc gia.

Bản ảnh Ấn đồng Môn hạ sảnh.

  1. Bình gốm thiên nga- minh chứng tuyệt mỹ của con đường gốm sứ trên biển.

Bình gốm thiên nga được làm bằng chất liệu gốm men. Cao 56,5cm; đường kính miệng 23,8cm; đường kính đáy 25,8cm; nặng 15,6 kg. Bình có dáng búp sen, miệng loe tròn, gờ miệng phẳng. Thân phình thuôn dần xuống đáy. Từ miệng, cổ và thân bình đều được vẽ trang trí hoa lam bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xắn ốc, vân minh hình dải khánh, phong cảnh, cây hoa lá, sóng nước, lá đề xen kẽ bốn chim thiên nga với các tư thế bay và đậu khác nhau. Đây là chiếc bình gốm có kích thước lớn nhất, có đề tài trang trí đẹp trong số những hiện vật độc bản quý hiếm mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ sau đợt khai quật con tầu đắm Cù Lao Chàm vào năm 1999-2000. Chiếc bình gốm này được xác định có nguồn gốc từ lò gốm Chu Đậu – thuộc làng gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, được sản xuất vào thế kỷ 15.

Với chiếc bình gốm Thiên Nga này, từ nghệ thuật trang trí cho đến kiểu dáng, kích thước cho ta thấy phần nào một phong cách trang trí mang tính hội họa của nghệ nhân trong dòng gốm Chu Đậu. Những đề tài trang trí trên bình gốm đã thoát khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển: người, chim muông, hoa lá, cây cỏ, thiên nhiên mà được thể hiện mang tính phóng khoáng, sáng tạo, mang đậm chất dân gian. Qua đề tài thể hiện trên bình ta hình dung về một vẻ đẹp thanh bình, yêu quê hương đất nước xã hội phong kiến Việt Nam thời Lê Sơ thế kỷ 15, được coi là một quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Thực sự chiếc bình gốm thiên nga được coi là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo tiêu biểu qua đó thể hiện được giá trị về tư tưởng, nhân văn về một “Con đường gốm sứ trên biển” của dân tộc đáng tự hào.

Bình gốm thiên nga.

Đồ án trang trí Bình gốm thiên nga.

  1. Cảnh Thịnh – chiếc trống đồng “khác lạ” của triều đại Tây Sơn

Trống đồng Cảnh Thịnh có đường kính mặt: 54,3cm; cao 37,40cm, được đúc mô phỏng theo trống da, hình trụ. Mặt trống cong vồng lên hình chỏm cầu, chính giữa có hai vòng tròn kép. Thân trống chia làm 3 phần, ngăn cách bằng hai đường gân nổi. Xung quanh thân trống, từ trên xuống dưới, đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng. Minh văn được khắc phần thân trống nói về bà Nguyễn Thị Lộc, là vợ của Tổng Thái Giám giao quận công thuộc năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736) góp công lập chùa Linh Ứng (nay là chùa Nành), cùng những lời dẫn đến việc đúc trống để thờ cúng, tu bổ chùa. Ngoài ra minh văn còn cho biết trống được đúc vào ngày lành tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh đời vua Nguyễn Quang Toản (1800), xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc xã Ninh hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhớ việc này.

Trống đồng Cảnh Thịnh (niên đại TK 18) là một di vật quý hiếm, độc bản, là nguồn sử liệu có giá trị lịch sử hiếm quý trong số những hiện vật còn lại ít ỏi của triều đại Tây Sơn hiển hách nhưng ngắn ngủi và là nguồn sử liệu giá trị về lịch sử đương thời.

Kiểu dáng khác lạ so với những trống đồng truyền thống cùng những trang trí nổi những linh vật khiến trống Cảnh Thịnh trở nên độc đáo và đầy chất thẩm mỹ, thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, kỹ thuật đúc trống cũng như nghề đúc đồng của dân tộc.

Trống đồng Cảnh Thịnh.

Đinh Phương Châm

Hoàng Ngọc Chính

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại BTLSQG

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại BTLSQG

  • 06/12/2017 20:32
  • 6491

(Phần 1)Ở mỗi một đất nước, mỗi dân tộc thì bảo vật là đại diện cho những giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, kỹ thuật đặc trưng hay sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, và được xem như diện mạo văn hóa của mỗi quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng của cả đất nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ấy. Bảo vật đó chính là nguyên khí, là linh hồn văn hóa của dân tộc. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn các quốc bảo đặc sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước. Mỗi một quốc bảo được lưu truyền lại cho thế hệ mai sau đều mang được đầy đủ những giá trị đại diện cho những tư tưởng lớn, thẩm mỹ tiêu biểu, chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển lịch sử đất nước và con người Việt Nam.