Bia Võ Cạnh, đá cát, thế kỷ 3-4, làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
Bia vốn được dựng gần một tháp gạch đổ tại làng Võ Cạnh, nay thuộc xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Viện Viễn đông Bác cổ chuyển về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1910,
Bia là khối đá hình trụ có 4 mặt, khắc chữ Brahmi trên 3 mặt, mỗi dòng khắc liền từ mặt này tới mặt kia, trong đó có 2 câu viết theo thể thơ Vasantatilaka, các câu còn lại là văn xuôi, nét khắc đã mờ. Kiểu chữ khắc trên bia giống với chữ của các bia ký Amaravati (Ấn Độ) thế kỷ 3 - 4.
Nội dung minh văn cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử Vương quốc Champa. Minh văn trên bia và đã có một số phiên bản dịch với nội dung và các quan điểm nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá cao và thống nhất với nội dung bản dịch và ghi chép của Louis Finot. Theo đó, nội dung bài bia ký nói về việc dâng cúng của một ông vua thuộc dòng tộc Sri Mara - người đã sáng lập triều đại đầu tiên của Vương quốc Champa.
Với một số minh văn trên bia như: “lokasyàsya gatàgati” (sự chết và sự phục sinh/đến rồi đi ở thế giới này) hay “prajànàn karuna” (lòng khoan dung/từ bi trắc ẩn đối với chúng sanh) còn cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo từ Ấn Độ vào cư dân Champa, đặc biệt là tầng lớp tăng lữ Champa (Brahman) khá sớm (từ những thế kỷ đầu sau công nguyên).
Bia Võ Cạnh là bằng chứng xưa nhất về sự du nhập tiếng Phạn và tư tưởng tôn giáo (Phật giáo) của Ấn Độ vào Champa và là một trong những tấm bia cổ nhất Đông Nam Á thể hiện sự du nhập, ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ ở Vương quốc Champa cổ đại nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung.