Trống được đúc mô phỏng theo dáng trống da truyền thống, hình trụ. Mặt trống cong vồng lên hình chỏm cầu, chính giữa có hai vòng tròn kép. Thân trống được chia làm ba phần, ngăn cách bằng hai đường gân nổi. Trống có 4 quai hình khuyên gắn cách đều trên thân. Thân trống, từ trên xuống dưới, đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng. Minh văn khắc bằng chữ Hán trên thân trống nói về bà Nguyễn Thị Lộc, vợ của Tổng Thái giám Giao quận công, vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736) đã góp công đức lập chùa Linh Ứng (nay là Chùa Nành, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Trống đúc năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn (1800). Ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu phản ánh trình độ tư duy, sáng tạo cũng như quan niệm nhân sinh, nhân văn và nghệ thuật dưới thời Tây Sơn - một triều đại có nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trống đồng Cảnh Thịnh còn cho thấy sự bảo tồn truyền thống đúc và sử dụng trống đồng với quan niệm là biểu tượng linh thiêng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước đó.
Hình lá hóa rồng
Hình Lân
Hình thần quy chở lạc thư
Hình Phượng
Bài minh dài 222 chữ dẫn thuyết lý do, mục đích đúc trống