Bảo vật quốc gia:
Thạp Đào Thịnh, đồng, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay
Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện vào năm 1961, tại Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Đây là chiếc thạp có kích thước lớn, trang trí hoa văn phong phú và độc đáo nhất trong những thạp đồng được phát hiện cho đến nay. Chức năng chính của thạp là đồ đựng dự trữ lương thực. Tuy nhiên, khi được phát hiện, trong thạp còn chứa nhiều than tro và răng người chết, điều đó chứng tỏ chiếc thạp này còn được dùng làm quan tài mai táng chủ nhân. Thạp có dáng hình trụ, thuôn dần xuống đáy, nắp đậy hình nón cụt, ở giữa có hình mặt trời 12 tia, xung quanh có 11 vành hoa. Đặc biệt, trên nắp thạp đúc nổi 4 khối tượng đôi nam nữ đang giao hợp. Trai thì xõa tóc, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì mặc váy ngắn. Bộ phận sinh dục của nam giới được thể hiện rất rõ, chứng tỏ người xưa cố ý đặt khối tượng này trên nắp thạp phản ánh khát vọng sinh sôi nảy nở, sự phồn thịnh của con người và vạn vật. Thân thạp đúc nổi 25 băng hoa văn: răng cưa, vòng tròn tiếp tuyến, chim Lạc… trong đó có hình khắc 6 chiếc thuyền mũi cong có bánh lái. Trên thuyền là các chiến binh cầm cung, lao, giáo, rìu chiến... phản ánh kỹ thuật đóng thuyền chiến và tài năng quân sự thời kỳ này của cư dân Đông Sơn khá phát triển. Thạp được coi là tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm, mang thông điệp của quá khứ kể lại cho thế hệ mai sau về truyền thống dựng nước, giữ nước và tín ngưỡng phồn thực của cư dân Văn Lang xưa.