Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số học giả người Pháp như A. Bergaigne, E.Aymonier, L.Finot đã phát hiện và tiến hành nghiên cứu hệ thống di tích bi ký của người Chăm cổ. Trong số hàng trăm mảnh những được tìm thấy, bia Võ Cạnh được coi là tấm bia cổ nhất. Hiện nay, bia Võ Cạnh được công nhận là Bảo vật Quốc gia, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Phần minh văn chưa được giải mã của tấm bia luôn là một bí ẩn thú vị đối với các học giả.…
Bia Võ Cạnh là tấm bia ký bằng chữ Phạn (Sanscrit) sớm nhất ở Đông Nam Á, được tìm thấy ở làng Võ Cạnh, phía Tây thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Tấm bia được E.Aymonier kiểm tra và dập thác bản năm 1885, được A.Bergaigne mô tả và xác định niên đại năm 1888. Năm 1915, được L.Finot kiểm tra lại trong bài tạp chí “Bia ký của Bảo tàng Hà Nội”. Bản dịch được coi là đầy đủ và chính xác nhất là bản dịch năm 1969 của Jean Filliozat. Có thể nói, người đầu tiên nghiên cứu nội dung của minh văn trên bia Võ Cạnh là A.Bergaigne, qua hai bản dập A và B. Ông Bergaigne cho rằng toàn văn bài minh là văn xuôi. Sau đó, người nghiên cứu tiếp theo là ông Louis Finot, nhận định một phần bài minh được viết bằng văn vần, niêm luật theo lối thơ vasantalilaka. L.Finot chho rằng: theo niêm luật thơ vansantalilaka, những chỗ sang dòng ở dòng thứ 8, 9, 10, 11 là đánh dấu sự chấm dứt một nửa của câu thơ về lọai hình thơ này. Trong các vế sau thì niêm luật của bài minh không còn phù hợp với loại hình thơ này nữa.
Bia Võ Cạnh, niên đại thế kỷ 2-3.
Nhà nghiên cứu Claude Jacques cho rằng ông Finot đã bỏ qua sự lưu ý của ông Bergaigne. Claude Jacques dựa trên hiểu biết của mình về niêm luật thơ cổ cũng như tính toán về mặt lý thuyết đã cho rằng bài minh văn hẳn phải được khắc trên 3 mặt của tấm bia trong đó có 21 vần thiếu ở đoạn dưới và 30 vần thiếu ở đoạn trên. Sự khuyết thiếu này gây ra những khó khăn trong thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của bài minh, tuy vậy cũng có thể biết được trong đó có những đoạn được viết bằng văn xuôi, có những đoạn được viết theo niêm luật thơ cổ sardulavukridita. Việc căn cứ vào niêm luật thơ, kết hợp với diện tích mặt bia để ước lượng số chữ tương xứng thực tế đã mất trên mặt bia.
Cách thức trên đã được đưa vào tính toán, và thu được kết quả. Từ suy luận về việc ngắt dòng và nghỉ hơi giữa các dòng, đã xác định được 21 vần thiếu ở đoạn dưới và 30 vần thiếu ở đoạn trên, đây là một sự chênh lệch tương đối lớn giữa chỗ thiếu ở hai đoạn. Tuy nhiên, tảng đá rõ ràng được đẽo không đều đặn, khắc chữ rộng dưới, hẹp trên. Diện tích thật của mặt bia (theo số liệu của L.Finot) là 1,53 x 0,72 x 0,67, không được đẽo trơn tru, mặt càng phía trên càng nhỏ đi. Dựa trên các dữ liệu phân tích và suy luận kích thước, khó lòng có thể nghĩ tấm bia được khắc trên cả bốn mặt, nhưng cũng không thể nghĩ nó chỉ được khắc trên hai mặt. Dựa trên việc áp dụng niên luật thơ cổ và tính toán lý thuyết thì việc trên cả ba mặt bia thực tế có khắc chữ là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của niêm luật. Rõ ràng sự thiếu các vần đã gây ra các khó khăn trong việc trình bày văn bia, thậm chí nếu không coi đó là một bài thơ, và diễn bằng văn xuôi thì mọi thứ lại rất dễ dàng. Nhưng, các chữ được nổi rõ ràng trên bản dập không thể kết lại thành một bản hoàn chỉnh được. Trong quá trình nghiên cứu, việc không có ai hiểu rõ về âm luật học tạo nên khó khăn trong nhận định vị trí của những vần nằm rải rác trên mặt đá. Qua đó xác định thấy sự cách ly rõ ràng giữa phần thơ và phần văn xuôi, sự cách ly giữa các câu thơ. Trong quá trình biên tập sách của bác sĩ B.Ch.Chhabra là cuốn “ Sự bành trướng của nền văn hóa Ấn Độ Aryen trong thời đại của luật pallava”, Claude Jacques cũng đồng ý với nhận định là trong bài minh có một số bài thơ theo niêm luật sardulavukridita.
Bản dập minh văn bia Võ Cạnh.
Về nội dung của minh văn, theo đa số các nhà nghiên cứu bia Võ Cạnh cho biết: Sri Mara là người đã sáng lập triều đại đầu tiên của tiểu quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang, Ninh Thuận ngày nay), còn tiểu quốc Bắc Chăm thì thủ phủ ở Simhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay). Sau đó, vào khoảng thế kỷ VII, hai tiểu quốc này hợp thành vương quốc Chăm Pa, Simhapura được chọn làm kinh đô. Tấm bia đã cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ cũng như vai trò của giới tăng lữ ở tiểu quốc này. Toàn bộ nội dung văn bia được khắc bằng chữ Phạn đã thể hiện sự du nhập của nền văn minh Ấn Độ vào cư dân Chăm là khá sớm (thế kỷ 1 sau Công nguyên). Tuy nhiên, với những khó khăn do sự thiếu đầy đủ trên văn bia, việc trình bày toàn văn bài minh theo đúng niêm luật, sắp xếp ban đầu vẫn chưa được hoàn thiện. Bia Võ Cạnh là một Bảo vật có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, mang nét đẹp của ngôn ngữ Chăm Pa- vì vậy rất mong có lời giải từ phía các nhà khoa học và các học giả.
Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn:
- Một số ghi chú về bia Võ Cạnh. Jacques Claude.
- Ghi chú về Bi ký học. Louis Finot.
- Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
- Bảo tàng Nhân học.