Trong số những hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia đợt II, không thể không nói đến Chuông chùa Vân Bản, một hiện vật độc bản, độc đáo, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trong cuốn Cổ Vật Việt Nam do Bảo tàng Lịch sử quốc gia biên soạn có nói về chiếc chuông này như sau: “niên đại: thế kỷ 13 - 14, quai chuông là hình hai con rồng đấu lưng vào nhau, tạo hình vòng cung. Chuông hình trụ, miệng loe, đúc nổi băng cánh sen, minh văn khắc trên một ô nói về ruộng đất cúng vào chùa và chức quan Tả bộc xạ, tìm thấy tại Đồ Sơn, Hải Phòng, 1958”(1).
Chuông chùa Vân Bản.
Hoa văn trang trí trên chuông là những đường nét và mô típ hài hòa. Nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất là hình búp sen, vảy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng. Trên thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô. Trong đó, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới đế trơn. Chuông có 6 núm tròn, xung quanh mỗi núm lại có 16 núm nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen.
Khi quả chuông mới được phát hiện, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các học giả trong nước. Minh văn trên quả chuông hầu hết được đánh giá rất khó đọc, bên cạnh đó toàn bộ minh văn lại không cho biết chuông được đúc vào thời gian nào, chính vì vậy niên đại của quả chông cũng là một vấn đề được các nhà nghiên cứu tranh luận.
Trong báo Tổ Quốc số 3 năm 1963, ông Trần Huy Bá cho biết “ở Viện bảo tàng lịch sử có một quả chuông do ngư dân miền Đồ Sơn mới vớt được dưới đáy biển, ông đoán rằng chuông đúc vào đời Lý Nhân Tông 1076”(2), nhận định như vây vì học giả Trần Huy Bá đã căn cứ vào chữ “Bính” (có thể là Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 1076 đời Lý Thái Tổ hoặc Bính Tuất năm 1226, năm Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh lập ra vương triều Trần) còn sót lại dưới quả chuông. Nhưng theo học giả Đào Duy Anh “thì sự đoán định ấy chưa thực sự chính xác”(3). Còn theo T.S Nguyễn Đình Chiến, phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia: “căn cứ vào cách tạo hình để xác định niên đại. Với hình tượng rồng và đặc biệt là cách tạo hình hoa sen trên chuông, tôi cho rằng đây là chuông thời Trần”.
Toàn bộ bài minh văn khắc trên chuông (đã được đánh lại).
Minh văn trên chuông chùa Vân Bản được phiên âm như sau:
“Khổ hạnh tăng hướng tâm cư sĩ Đại Ố, bổ trợ báo thiên đổ, Cổ Châu đổ, Đồ Sơn đổ, Xá Lưu đổ, Đào, Kênh nhị sở vi hữu công.
Tả bộc xạ tạ công cử sơn thạch chung nhất khẩu, lưu ư Đồ Sơn Vân Bản tự.
Tăng hướng tâm cư sĩ Đại Ố, cộng khai sáng sơn lâm. Hạ động, đông chí biên hải vi giới, tây chí biên hải thạch đầu vi giới, bính Hoành sơn vi giới, bắc chí Thần Tiên thạch, bắc chí Sao Lương thạch vi giới.
Thị vệ dũng thủ Nguyễn Văn Kịp, thê Chu Thị Nhãi. Nhị nhân cung dưỡng ông Hà địa trạch nhất sở. Đông cận Hương Trản điền, tây cận Nguyễn Thăng. Hộ xá Chu Lâm Kịp, muội Chu thị Trãi, nhị nhân cung dưỡng Hương Trản điền nhất sở; đông cận Nguyễn Khả Lỗi, tây cận Hương Trản địa.
Nhược hạnh tăng hướng tâm cư sĩ Đại Ố, hữu cáo hậu nhân, hữu tử tôn, tinh biệt nhân, hữu tu đức hạnh lưu tiến ư Vân Bản tự. Tinh thổ trạch điền, tinh kị lạp, khổ hạnh tăng hướng tâm cư sĩ Đại Ố, nhược lưu hủy hoại, không quyết lị lạp, bất đắc, nại văn tự. Ngược hữu nhân tri tạo điện chủ, khế thay điện điền. Thứ nhất”(4)
Dịch nghĩa:
“Nhà sư khổ hạnh hướng tâm đến vị cư sĩ Đại Ố, Người đã có Công tu bổ, sửa sang danh thắng Báo Thiên, Cổ Xuyên, Đồ Sơn, Xá Lưu; lại có công cả 2 nơi là đào giếng và khơi kênh ngòi.
Vị Tả Bộc xạ tạ ơn (trời đất) cúng tiến quả chuông ở núi đá, đặt quả chuông Vân Bản. Vị sư đã hướng tâm đến vị cư sĩ Đại - Ố, người cũng đóng góp khai mở rừng núi, hang động: phía đông đến biển là giới hạn, phía tây giới hạn là đến đầu núi đá mép biên, Bính lấy Hoành Sơn làm giới hạn, phía Bắc đến núi đá Thần Tiên, cũng phía bắc đến núi đá Sao Lương là giới hạn.
Vị Thị vệ nhân dũng thủ là Nguyễn Văn Kịp cùng vợ là Chu Thị Trãi, hai vợ chồng cúng dưỡng thửa đất nhà ở (cho) ông Hà, phía đông kề ruộng Hương Trản, phía tây giáp đất Nguyễn Thăng. Nhà Chu Lâm Kịp cùng là em gái là Chu Thị Trãi, hai anh em cúng dưỡng một thửa ruộng ở khu ruộng Hương Trản, phía đông giáp Nguyễn Khả Lỗi, phía tây kề đất Hương Trản.
Vị sư khổ hạnh luôn hướng tâm đến cư sĩ Đại Ố, lại dặn bảo cho người đới sau có con cháu, đặc biệt là những người có lòng tu đức hạnh, lưu tâm cúng tiến cho chùa Vân Bản. Nhà cửa, ruộng đất đã cúng cho chùa được dùng (một phần) để cúng lễ, giỗ chạp. Nhờ văn tự mới biết đến cư sĩ Đại Ố mà vị sư khổ hạnh một lòng hướng tâm, vì vậy nếu để hủy hoại và khiếm khuyết thì không được. Để biết người có công tạo lập đất đai, nhất thiết điện chủ phải thay mặt giữ khế ước này”(5)
Mặc dù đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về niên đại, tuy nhiên đây là hiện vật gốc, độc đáo, độc bản, gắn với chùa Vân Bản, tháp Tường Long, Hải Phòng. Hiện vật phản ánh đặc trưng Phật giáo, đồng thời minh văn trênđó là sử liệu lịch sử quý, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh Phật giáo giai đoạn đó.
Thu Nhuần (tổng hợp)
Nguồn:
(1): “Cổ vật Việt Nam”, Cục di sản - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Hội đồng giám định cổ vật Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp biên soạn, NXB Hà Nội, 2003, tr. 92.
(2), (3): “Một tấm bia thời Lý Cao Tông”, Đào Duy Anh, Tạp chí NCLS số 134, tháng 9-10, tr. 45-46.
(4), (5): “Chuông chùa Vân Bản Đồ Sơn”, Đồng Thị Hoàn, Bảo tàng Hải Phòng, tháng 9-2009.